Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

suy ngẫm




Kiến trúc – sáng tạo và hành nghề 


Nhà thờ Stave Borgund, Na Uy. Được xây dựng vào khoảng giữa 1180 và 1250 CE


Thiết kế dựng công trình từ công năng. Sáng tác dựng hình tượng cho công trình, đặt nó cận kề hoặc làm cho nó trở thành tác phẩm. Tác phẩm có cơ may trở thành nghệ thuật.





Ai đó nói: Con trai mà sản sinh viên ngọc là bởi nó mang bệnh. Ai đó ứng: Kiến trúc mà sản sinh viên ngọc là bởi nó khoẻ.
Văn chương có thể hưng thịnh khi xã hội suy đồi. Kiến trúc chỉ hưng thịnh khi xã hội khoẻ. Xã hội khoẻ mở đường cho sáng tác thăng hoa.


Thời nay, khác và hơn các thời xưa, kiến trúc có tất cả cho sáng tác và cho hành nghề. Giới kiến trúc sư, hễ tâm tưởng về nền kiến trúc Việt Nam đứng cả hai chân trong thời đại, ngần ngại gì mà không bắt tay dọn quang đường cho sáng tạo và cho hành nghề.



Sáng tác kiến trúc tựa vào và vượt lên từ tay nghề và từ ý tưởng.
Tay nghề ám chỉ sự làm chủ vững vàng các phương tiện sáng tác và tác nghiệp, thông qua đào tạo: sự hấp thụ tri thức văn hoá nền tảng và tri thức nghề nghiệp; sự làm chủ tư duy sáng tạo kiến trúc chuyên biệt và kỹ năng tác nghiệp. Tính chuyên biệt của tư duy sáng tạo kiến trúc chính là ở sự chuyển hoá những ý tưởng thành sự sắp đặt không gian theo dòng chảy của quy trình sống, sự tạo tác hình tượng cho công trình như một sản phẩm tâm thức và thẩm mỹ. Thông qua lộ trình sáng tạo kiến trúc chuyên biệt, quy trình sống được vật thể hoá thành cơ thể, vô tri vô giác tác động đến người sử dụng nó và môi trường bao quanh nó. Bản chất sâu xa của kiến trúc chính là ở cái vế sau.



Kỹ năng tác nghiệp chính là khả năng phối hợp quy trình hình thể hoá ý tưởng: ý nghĩ – ngôn từ – bàn tay – con mắt. Ngôn từ đóng vai trò chuẩn xác hoá suy nghĩ và tạo sức biểu đạt cho đường nét, dẫn dắt bởi bàn tay và con mắt. Khi cái quy trình đặc trưng này vận hành trôi chảy, khi ngôn từ và bàn tay không bất lực giữa ý nghĩ và con mắt, là dòng chảy sáng tác không bị ngăn trở, là ý tưởng và phác thảo hoà thành một thể có sức thuyết phục. Tác phẩm kiến trúc đi ra từ đấy. Dạy nghề kiến trúc cũng theo cái chuỗi ấy: ý nghĩ – ngôn từ – bàn tay – con mắt.


Nói về sáng tạo kiến trúc, ngoài tay nghề, phải nói tới ý tưởng. Tay nghề là phương tiện chuyên chở, ý tưởng là nhiên liệu. Nhiên liệu mà có sức bật của lò xo, mà có sức bứt phá của viên đạn, mà có sức kết quện của keo sơn, thì tác phẩm sáng tạo kiến trúc sẽ thăng hoa. 


Cái gốc của mọi ý tưởng sáng tạo là tư tưởng: tư tưởng thời đại, tư tưởng xã hội và nhân văn, tư tưởng thẩm mỹ, tư tưởng khoa học và công nghệ. Mỗi tác phẩm kiến trúc, hễ nó là nó, phải chứa đựng và phản ánh những tư tưởng và xu hướng của thời đại, phải góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Từ nền tảng của tư tưởng, nảy sinh những ý tưởng sáng tạo kiến trúc. 


Nền kiến trúc của chúng ta đang thiếu tư tưởng. Thiếu những tư tưởng có khả năng mở đường rộng và mở đường tắt, có khả năng tạo sự đột biến và góc nhọn cho phát triển. 


Sáng tác là sự tìm tòi trong cảm hứng chuyên biệt của mỗi kiến trúc sư. Tìm tòi dẫn tới cái khác, cái lạ, cái mới và cái riêng từ cái nền chung của những gì đã cũ hoặc đã không còn tiến bộ. Sáng tác trong tìm tòi ở mỗi kiến trúc sư – bản thể sáng tạo tựa như những dòng chảy. 


Có dòng chảy, chảy mà nước không dồi dào, hễ gặp phải chướng ngại vật, - dừng chững lại. Có dòng chảy, chảy xiết do nguồn lực thôi thúc, lại thu hút thêm những khe những mạch thành dòng sông. Dòng sông ấy tựa như dòng sáng tạo của một bản thể – kiến trúc sư tài năng, có năng lượng sản sinh, có “cái tôi”, đủ sức bứt phá và cả độ dang rộng của đôi cánh. 


Hễ con sông ấy mà rộng, lại gặp địa hình địa thế xuôi thuận, thì các con sông khác cũng tìm đường hoà vào, tạo thành dòng chảy cuồn cuộn những phù sa, giữa những lưu vực rộng lớn. Có thể ví những đại giang ấy với những xu hướng, những trường phái mà nền kiến trúc đương đại không thể thiếu.


Sáng tác dẫn tới sự nảy sinh tài năng và nhân tài. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc trở thành nghệ thuật. Chỉ tài năng mới có khả năng đưa kiến trúc sư trở thành tác giả của những tác phẩm. 


Sáng tạo sản sinh tài năng và mở đường cho tìm tòi. Cả hai cái ấy rất cần, cần hơn bao giờ hết, cho kiến trúc Việt Nam hôm nay thăng tiến.




Sáng tác, họa sỹ từ cảm hứng; kiến trúc sư theo đặt hàng. Quan hệ cung và cầu trực tiếp. Giữa kiến trúc sư và khách hàng là sản phẩm. Sản phẩm không theo mẻ, không đại trà. Sản phẩm đơn chiếc. Hành nghề kiến trúc sư đặc trưng chính là ở chỗ quan hệ mặt đối mặt với khách hàng và sản phẩm đơn chiếc làm theo đơn đặt hàng.


Khác tác phẩm hội họa, sản phẩm kiến trúc không đi ra trực tiếp từ bàn tay tác giả, mà có sự tham gia và can thiệp của khách hàng, của cộng sự thuộc nhiều chuyên ngành. Nó chỉ thực sự hiển hiện dưới bầu trời nhờ bàn tay người thợ, sự hỗ trợ của máy móc và từ những bài tính của thực tế.


Khác hội họa, nơi sản phẩm sản sinh từ một cá thể sáng tạo, - khối não - trái tim - con mắt và bàn tay, - sản phẩm kiến trúc bị chi phối bởi luật, bởi những quy chế và quy phạm, bởi những ràng buộc liên quan liên đới từ đô thị và từ cộng đồng.


Trải qua ngần nấy tầng nấc và ngần nấy mối quan hệ, mà sản phẩm cuối cùng - công trình kiến trúc - còn bảo lưu những ý tưởng của kiến trúc sư khai sinh ra nó, có thể coi quá trình hành nghề chuyên biệt của anh đã trọn vẹn. Ở ta, kiến trúc sư đạt được điều ấy, quả là hiếm hoi.


Có hành nghề là có cạnh tranh. Có thị trường là có đào thải. Cạnh tranh và đào thải là quy luật của kinh tế thị trường, là những nhân tố tiên quyết phát triển. Hành nghề kiến trúc nằm gọn trong sự thách đố, đương nhiên và nghiệt ngã ấy. Sớm muộn rồi sẽ xuất hiện những văn phòng và những tập đoàn tư vấn kiến trúc lớn, các doanh nghiệp thiết kế nhỏ sẽ biến mất, y hệt các cửa hàng nhỏ trước các trung tâm thương mại lớn. Khách hàng, nhà nước và tư nhân, sẽ tìm đến và gửi niềm tin vào các kiến trúc sư giỏi, y hệt người ta tìm đến luật sư hoặc bác sỹ giỏi. Để sự cạnh tranh diễn ra lành mạnh, thị trường hành nghề phải thông thoáng, hợp với kinh tế thị trường.

Ban bố luật hành nghề kiến trúc sư, thành lập nghiệp đoàn kiến trúc sư, sắp xếp lại tổ chức hành nghề, lành mạnh hóa môi trường hành nghề, chuyên nghiệp hóa hành nghề và kinh doanh hành nghề sẽ là những đảm bảo cho nền kiến trúc vượt qua lạc hậu và bứt phá về hướng hiện đại hóa.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính
 (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - 3/2010)


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét