Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

chút mưa ^^





 Anhdepblog.com


    Một chút mưa...để làm duyên
Đôi hạt nhẹ ...đậu rất hiền trên vai
     Sợi mưa nối sợi tóc dài
Sợi làm nhớ...sợi thương hoài ngàn năm !




Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Hành trình của những quyển sách -Kawabata Yasunari



Không biết từ khi nào, cái thế giới sâu thẳm của văn chương Nhật Bản đã cuốn hút tôi .


Những cuốn tiểu thuyết mà trang giấy ố màu thời gian như Đèn không hắt bóng của Watanabe Dzunichi,  Ngàn cánh hạc của Yasunari Kawabata ..- trong tủ sách gia đình-  đã khiến tôi chìm đắm vào không khí dịu dàng đặc trưng Nhật Bản, khiến tôi bàng hoàng bởi nỗi day dứt muôn thuở trước sự sống và cái chết, trước sự cô độc và tình yêu…

để rồi xúc động sâu xa khi khép lại những trang sách “…tình yêu đã cất lên tiếng nói cuối cùng, tràn đầy an ủi và vị tha.” ( LQD)

Khi đến với  HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG QUYỂN SÁCH của một người bạn blog , anh Zen, tôi đã rất tâm đắc ước mơ nhỏ nhoi nhưng thật đáng quý của anh : Mỗi người chúng ta hãy cùng chung tay góp phần gìn giữ vẻ đẹp “ tính bản thiện” trong thế giới tâm hồn của thế hệ trẻ hôm nay
"Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy" -Mann Horace
http://vn.360plus.yahoo.com/hoangdaoz7

Và bài viết hôm nay tôi xin dành tất cả niềm yêu quý , trân trọng về
Yasunari Kawabata - tiếng tăm đã vượt xa biên giới Nhật Bản , khi ông là nhà văn người Nhật Bản đầu tiên đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương năm 1968.
Sau sự kiện tang thương làm bàng hoàng cả thế giới trước tai họa động đất và sóng thần tàn phá đất nước Nhật Bản ngày 11-3-2011 vừa qua, khi cả thế giới ngưỡng vọng “ Tinh thần Nhật Bản” ,
tôi đã thật thấm thía khi đọc
 “ 72% diện tích nước Nhật là núi. 67 ngọn núi lửa đang hay sẽ hoạt động …truyền cho người Nhật tính kiên cường chịu đựng nghịch cảnh. Điều này ta thấy rõ ở tính cách của tiểu thuyết gia Kawabata . Cuộc đời Kawabata bị ám ảnh bởi sự cô đơn và cái chết, nhưng ông vẫn sống và làm việc hăng say. Giải thích lý do tại sao mình sống, ông nói :
- Tình yêu là sợi dây duy nhất giữ tôi lại với đời.”
( Trích trong “219 Danh nhân thế giới”  – Lương Văn Hồng )








 
Năm 1937, Kawabata viết tác phẩm “Xứ Tuyết” (Yukiguni = Snow Country)
Xứ tuyết (tiếng Nhật: 雪国 Yukiguni, Tuyết quốc) là tiểu thuyết đầu tay của văn hào Nhật Bản Kawabata Yasunari, được khởi bút từ 1935 và hoàn thành năm 1947. Trước khi xuất bản dưới dạng ấn phẩm hoàn chỉnh, tác phẩm đã được đăng tải thành nhiều kỳ trên nhật báo. Xứ tuyết được đánh giá là quốc bảo của nền văn học Nhật Bản.



Xứ tuyết – Yasunari Kawabata



Xứ tuyết mang âm hưởng truyền thống lữ hành của các thi nhân văn sĩ Nhật Bản từ xa xưa. Câu chuyện theo bước chân của chàng trai trẻ Shimamura du hành ngoạn cảnh và tắm suối nước nóng. Shimamura, sinh ra và lớn lên ở một khu phố thương mại của Tokyo, đã lập gia đình, nhưng lại say mê với cái đẹp như bị một huyền lực điều khiển, vì vậy chàng đam mê theo học nghệ thuật vũ đạo Tây phương và hoạt kịch. Là một chàng trai tài tử nhàn rỗi thiếu thành khẩn với chính mình, lại có đôi lúc khát vọng tự tìm hiểu bản thân thôi thúc, nên chàng thích lên miền núi một mình và đã ba lần lên xuống xứ tuyết phía Bắc Nhật Bản trong ba mùa khác nhau Xuân - Thu - Đông.

Trong lần thứ nhất vào thời điểm mở cửa mùa leo núi, mùa xuân bắt đầu với chồi non xanh thẳm và hương thơm ngát, chàng gặp nàng ca kỹ (geisha) Komako. Komako là một cô gái đại diện cho vẻ đẹp tràn trề nữ tính, mạnh mẽ, tương phản giữa thánh thiện và trần tục, giữa tỉnh táo và đam mê, giữa vẻ đẹp sáng ngời nét thơ ngây bên ngoài và sức trầm lắng của nội cảm. Cảm giác mà nàng đem lại cho Shimamura là sự tươi mát và thanh sạch tuyệt vời. Trong những đêm khi mà nàng giúp vui tiệc tùng bằng cách đánh đàn samisen cho những khách du hành, uống rượu say và mệt lả, nàng về bên Shimamura với sự nồng nhiệt khiến chàng rung động đến tận tơ lòng.


Con tàu đưa Shimamura vượt qua đường hầm đến xứ tuyết lần thứ hai để gặp lại Komako vào mùa đông, vài tuần trước khi mở mùa trượt tuyết. Trong ánh sáng mờ ảo, Shimamura mê mẩn ngắm khuôn mặt người thiếu nữ ngồi đối diện với chàng ngời lên trên tấm kính cửa sổ toa tàu, với vẻ đẹp vừa huyền ảo vừa siêu phàm, với sự duyên dáng kỳ lạ của khuôn mặt trôi qua phong cảnh ban đêm. Cô gái đó, chàng còn gặp lại ở vùng băng tuyết, chính là Yoko. Một ca kỹ với vẻ đẹp trong trắng và xa vời, mong manh và mờ ảo, tin cậy và thơ ngây ngay cả trong cách nàng thể hiện tình cảm với Shimamura, với giọng nói “truyền cảm, trong thanh và đẹp đến não lòng”, khiến chàng mỗi lần tiếp xúc là mỗi lần khám phá thêm một nét quyến rũ nơi nàng.


Rồi những ngày đầu mùa thu với lá phong đỏ thắm, Shimamura lại rời Tokyo để đi nghỉ ở xứ tuyết. Ở đó, giữa hai người con gái xứ tuyết, trong khung cảnh của một vương quốc mà cảnh sắc, con người, phong tục, lối sống đều hồn hậu, chất phác và dịu dàng, chàng mẫn cảm sâu sắc trước cái đẹp nhưng lại đắn đo lưỡng lự giữa hai mối tình, một nặng về thể xác, một nặng về tâm hồn. Say đắm Komako nhưng trong Shimamura luôn hiện diện ánh sáng kỳ ảo lóe lên từ Yoko. Xúc cảm tình yêu của chàng dành cho Yoko ngày càng lớn dần khi chàng cảm nhận được cái mờ ảo và mong manh của vẻ đẹp khó diễn tả ấy, một vẻ đẹp chàng khao khát theo đuổi và nắm bắt cả đời. Trong khi Komako càng đến bên chàng thân thiết, gần gũi, mãnh liệt và hy sinh bao nhiêu, thì cứ mỗi lần rời xa xứ tuyết chàng lại thấy nàng biến mất không còn lưu lại chút dư tình trong tâm trí. Tình yêu của Shimamura với Komako bắt đầu chớm những giận hờn đầu tiên. Komako hoang mang không biết Shimamura còn yêu mình thật hay không, còn chàng cũng không sao hiểu nổi sự lạnh lùng của lòng mình, tại sao mình không thể sống được mãnh liệt, trọn vẹn và hy sinh trong dâng hiến không đòi hỏi chút gì trả lại như nàng.


Đúng vào lúc Shimamura quyết định rời xa trạm nước nóng ở xứ tuyết để tránh cơn bão lòng và cắt đứt duyên nợ một cách lặng lẽ thì mọi sự đã kết thúc trong bi thảm. Trong một buổi chiếu bóng tại một nhà kho gần nơi chàng ở, một đám cháy dữ dội đã xảy ra. Mặt đất rừng rực trong tia lửa và tàn tro bốc cao lên tận bầu trời đêm, một bầu trời với dải Ngân Hà lóng lánh trong ánh sáng đẹp một cách ma quái. Yoko, người yêu thuần khiết và mối tình lý tưởng của chàng đã chết trong đám cháy đó. Khi chàng chạy tới thì thấy thân hình bất động của Yoko với gương mặt thanh tú và thánh thiện trên đôi tay Komado, còn Komako thì lời nói như mê sảng và vẻ mặt như sắp hóa điên. Chàng lảo đảo ngẩng mặt lên trời và có cảm giác dải Ngân Hà trôi tuột vào trong người chàng với tiếng gầm thét dữ dội.


Đánh giá về tác phẩm, dịch giả người Pháp Armel Guerne cho rằng “Đây là một tác phẩm thuần túy Nhật Bản khác với lối tư duy trong ngôn ngữ phương Tây vốn nặng về gò bó duy lý. Nghệ thuật mờ ảo, cái Đẹp được miêu tả tinh tế lộng lẫy, lối kết cấu gần như vô hình”…. Nhưng đó không phải là một thế giới của cổ tích, của những yếu tố hoang đường mà là một thế giới được cảm nhận như một đối chứng với thế giới thực về bản ngã và cái đẹp.






[Hình: xutuyet.jpg]





Vào năm 1949, một tác phẩm danh tiếng của Yasunari Kawabata xuất hiện, đó là cuốn tiểu thuyết “Ngàn Cánh Hạc” (Sembazuru = A Thousand Cranes)

.."     Còn nhiều chén shino đẹp hơn cái này mà” nàng thì thào . Liệu nàng có còn buồn với 

ý nghĩ đã làm cho Kikuji so sánh chiếc chén nàng vừa đập vỡ với những chiếc chén 

khác đẹp hơn ? Chàng nằm thao thức , và âm thanh của lời nói nàng đến với chàng , 

rõ ràng một cách chua xót …trong ký ức .

….nàng đã khiếp hãi khi bắt chàng so sánh chiếc chén shino với cái gì vậy ?
Và tại sao nàng có vẻ âu lo như vậy ? Kikuji không thể nào nghĩ được câu trả lời .
Giờ đây , chàng lại không thể nghĩ ra một người nào để có thể so sánh với nàng .
Nàng đã trở thành tuyệt đối , vượt lên mọi sự so sánh . Nàng đã trở thành sự
 quyết định và sinh mệnh .
….ở Fumiko không có một sự kháng cự nào , ngoài chính sự trong sạch … 
Kikuji đã thoát ra khỏi lời nguyền rủa và sự tê liệt như một người nghiện ngập
 được thoát khỏi cơn ghiền của mình bằng cách uống vào liều thuốc cuối cùng .
….Trong bữa cơm 2 người nói chuyện về việc làm của nàng …chàng đã không
 hỏi nơi ở . Như thể nơi ở của nàng cũng chính là nơi ở chàng vậy .
….Nàng đã nói đến sự chết ở sát chân nàng . Đột nhiên Kikuji cảm thấy lạnh
 ở 2 chân . Chàng dùng khăn tay lau mặt . Máu trên mặt chàng dường như 
không còn lưu thông nữa , chàng lau mặt mạnh hơn . Chiếc khăn tay ướt đẫm
 và đen kịt . Chàng thấy mồ hôi lạnh ướt cả lưng . “ Nàng không có lý do gì để 
chết cả , Fumiko không có lý do gì để chết cả , Fumiko – người đã đem lại
 sự sống cho chàng …" ( trích sổ tay của Tieumuoi)

      Ngàn cánh hạc ( Sembazuru, 1949-52)
















                         Kawabata Yasunari in Japanese stamp

Tóm lược  ( Nguồn internet )
 Ngàn Cánh Hạc là tác phẩm đã đoạt giải thưởng Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật
 Nhật Bản cho Kawabatạ Truyện kể lại những mối tình giữa chàng Kikuji
 và những người quen biết thân phụ chàng . Trong một buổi trà đạo do 
cô Chikako Kurimoto, một người yêu cũ của thân phụ chàng tổ chức, 
Kikuji đã gặp lại bà Ota và cô con gái là Fumiko, sau bốn năm trời xa cách . 
Bà Ota cũng là người yêu cũ của thân phụ chàng . Cô Chikako đã giới thiệu 
với Kikuji một thiếu nữ khác là Inamura . Hình ảnh ngàn cánh hạc với
 người thiếu nữ nhà Inamura, hình ảnh trong trắng của Fumiko giữa một 
xã hội nhơ nhớp, những ghen ghét mưu toan của một người đàn bà mang 
cái bớt trên ngực và sự rụt rè sợ hãi của một người đàn bà khác mang
 mặc cảm tội lỗi trong hồn, tất cả đã quay cuồng trong cái nội tâm quá
 nhạy cảm của chàng Kikuji, tất cả đã diễn ra trong cái không khí êm đềm
 ngoài mặt của trà đạo ... 

Ngàn Cánh Hạc cũng như Xứ Tuyết sẽ đưa người đọc vào một thế giới 
của những rung động thầm kín nhất, say đắm nhất nhưng cũng tinh tế nhất 
của tâm hồn Nhật Bản.