Sáng sớm trên sôngThu Bồn
Bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh cao 2598 mét, ban đầu Thu Bồn chỉ là
dòng sông nhỏ âm thầm chảy qua các ghềnh đá cheo leo trên vùng núi phía
tây nam của tỉnh Quảng Nam. Nhờ tăng thêm lưu lượng từ sông Tiên, sông
Tranh trên địa hạt Trà My và Tiên Phước, sông Thu Bồn vượt qua bao đồi
núi đưa phù sa bồi đắp cho vùng Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên.
Từ
bến đò Phú Thuận đổ lên mạn ngược, mải mê và say sưa soi bóng mình dưới
dòng nước mát bốn mùa là những ngọn núi cao ngất. Nhìn từ xa, thấy núi
trầm mặc, uy nghiêm là vậy. Nhưng khi đến gần, đứng giữa mơn man gió
sóng ngước nhìn lên, chợt thấy núi duyên dáng đến lạ lùng. Xen giữa sắc
xanh đậm rừng già là nõn nà sắc xanh của những cánh rừng mới. Quanh
những chân núi thấp, từng khóm mẫu đơn, mua, sim... cứ hồn nhiên bói
hoa, điểm tô thêm sắc màu cho núi...
Đến Hòn Kẽm - Đá Dừng, chưa kịp ngước nhìn lên đã thấy lòng dậy lên chút niềm riêng khó tả. Nhìn lên, không chỉ có thấy "thương cha nhớ mẹ" như lời một bài ca dao (*), mà còn mơ màng nhớ về những xa xăm nào đó. "Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng", còn để thấy một sự sắp đặt kỳ lạ của đất trời sông núi. Giữa Hòn Kẽm và Đá Dừng là một sự đối xứng. Và chính sự đối xứng lừng lững, uy nghiêm nhưng lãng mạn này lại tiếp tục làm nên sự đối xứng, đối lập trong thế hài hòa với dòng nước Thu Bồn.
Mà trên dòng Thu Bồn này không chỉ có sự đối xứng, đối lập ấy. Một loạt vách đá dựng đứng đối lập với sông suốt một quãng đường dài. Ven sông, bờ bên này trên bến dưới thuyền thì bên kia cũng vậy. Ví như hai bến đò Tý và Sé, đúng là đang quay mặt vào nhau nhưng lại mở ra hai hướng. Phải chăng chúng tự tạo ra sự đối xứng hay đó chính là sự sắp đặt đầy ngụ ý của tạo vật, một ẩn dụ của đất trời ?...
... ”Chỉ có sống trọn đời với sông nước mới có thể hiểu triết lý của sông, mới có thể học được các bài học từ sông !” - người lái đò bảo tôi như thế. Mà đúng vậy thật. Lấy của sông tôm cá, phải trả lại cho sông mồ hôi, đôi khi cả mạng sống. Muốn nương theo sức mạnh con nước, phải biết nương trong chừng mực : đò đang xuôi dòng, khi muốn cập bến phải bẻ lái đi vòng, để cho mũi thuyền hướng về phía thượng nguồn. Đó là sự hướng về cõi u linh, về phía khởi nguyên của con nước. Và, đó cũng là một cách để mái dằm có thể neo giữ được con đò, tránh bị trôi tuột theo dòng chảy...
Sống chung thủy với sông còn để hiểu trọn lòng sông. Như bao con sông khác, vào những đêm tối trăng, mặt sông Thu Bồn cũng đen thẫm, lẫn vào giữa mênh mang u tịch của trời đất, của núi rừng. Không có đèn pha, cũng chẳng có đèn pin, vậy mà bao nhiêu con đò dọc cứ phăm phăm rẽ nước, rồi cũng lách, cũng vòng. Đò đã thuộc hết lòng sông nên có thể ngược xuôi trong đêm tối mà không sợ kẹt vào chỗ cạn. Quan trọng hơn, mỗi con đò còn có một đôi mắt sáng. Đôi mắt ở đằng mũi lúc nào cũng mở thật to, có thể nhìn xuyên qua màn đêm, nhìn xuyên qua làn nước để đò luồng lạch. Đó là đôi mắt của tâm linh, đôi mắt của niềm hy vọng, sự gửi gắm của cư dân sông nước. Và để con mắt ấy sáng mãi, người cầm chèo cũng cần có trái tim biết đập bằng những nhịp đập của sóng; biết hòa mình vào cuộc sống bằng linh cảm nồng tanh mà đậm đà của sông nước bao la...
Mỗi dòng sông có một triết lý của riêng mình. Sông Thu Bồn cũng vậy. Triết lý của nó là sự giao hòa của sóng nước, bãi bờ, non núi; của một con đò, của mỗi mái chèo và của mỗi con người. Với triết lý ấy, Thu Bồn đã giữ được vẻ đẹp hiền hòa, xanh thẳm của mình. Để rồi, qua bao nhiêu phong ba sóng gió, Thu Bồn vẫn là dải lụa mềm, vắt từ điệp trùng Trường Sơn qua đồng bằng châu thổ và ra tới biển...
Cầu vồng lũ trẻ chơi màu sắc
Ta thích làm mây mang bão giông
Rạch chéo đất trời tia kiếm chớp
Thức reo làm thác ngủ làm sông
Dòng sông rộng quá nên lai láng
Nhịp cầu thường tiễn ta đi xa
Hỡi con ngựa chiến tuôn về biển
Bất kham dừng lại hóa phù sa
Ta yêu cỏ thẹn bên cồn mả
Hoa tím em thường giả bông tai
Cọng chiếu bao giờ thành xuyến ngọc?
Lối cỏ anh về vẫn lắm gai
Mẹ ngủ ven trời sau cỏ mật
Mây giăng Trà Kiệu chớp Sơn Trà
Sau màn mưa ấy hai con mắt
Xanh hơn cỏ dại ngước nhìn ta
Sâu lắng lòng sông ra Cửa Đợi
Nửa đêm ta thức nhịp Nam Bình
Con thuyền đã gõ xua đàn cá
Sóng vẫn trào lên đẫm phận mình
Trọn đời em muốn làm con sóng
Sông lặng mà em lắc mạn thuyền
Đàn cá khiếp hồn tuôn nháo nhác
Làm mắc vầng trăng giữa lưới vàng
Ta cũng là trăng luôn mắc lưới
Vớt lên ướt hết nửa cuộc đời
Đêm đêm hong gió trên triền núi
Gọi nắng mai lên vá lại trời.
-Thu Bồn-
Nguồn internet
Đến Hòn Kẽm - Đá Dừng, chưa kịp ngước nhìn lên đã thấy lòng dậy lên chút niềm riêng khó tả. Nhìn lên, không chỉ có thấy "thương cha nhớ mẹ" như lời một bài ca dao (*), mà còn mơ màng nhớ về những xa xăm nào đó. "Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng", còn để thấy một sự sắp đặt kỳ lạ của đất trời sông núi. Giữa Hòn Kẽm và Đá Dừng là một sự đối xứng. Và chính sự đối xứng lừng lững, uy nghiêm nhưng lãng mạn này lại tiếp tục làm nên sự đối xứng, đối lập trong thế hài hòa với dòng nước Thu Bồn.
Mà trên dòng Thu Bồn này không chỉ có sự đối xứng, đối lập ấy. Một loạt vách đá dựng đứng đối lập với sông suốt một quãng đường dài. Ven sông, bờ bên này trên bến dưới thuyền thì bên kia cũng vậy. Ví như hai bến đò Tý và Sé, đúng là đang quay mặt vào nhau nhưng lại mở ra hai hướng. Phải chăng chúng tự tạo ra sự đối xứng hay đó chính là sự sắp đặt đầy ngụ ý của tạo vật, một ẩn dụ của đất trời ?...
... ”Chỉ có sống trọn đời với sông nước mới có thể hiểu triết lý của sông, mới có thể học được các bài học từ sông !” - người lái đò bảo tôi như thế. Mà đúng vậy thật. Lấy của sông tôm cá, phải trả lại cho sông mồ hôi, đôi khi cả mạng sống. Muốn nương theo sức mạnh con nước, phải biết nương trong chừng mực : đò đang xuôi dòng, khi muốn cập bến phải bẻ lái đi vòng, để cho mũi thuyền hướng về phía thượng nguồn. Đó là sự hướng về cõi u linh, về phía khởi nguyên của con nước. Và, đó cũng là một cách để mái dằm có thể neo giữ được con đò, tránh bị trôi tuột theo dòng chảy...
Sống chung thủy với sông còn để hiểu trọn lòng sông. Như bao con sông khác, vào những đêm tối trăng, mặt sông Thu Bồn cũng đen thẫm, lẫn vào giữa mênh mang u tịch của trời đất, của núi rừng. Không có đèn pha, cũng chẳng có đèn pin, vậy mà bao nhiêu con đò dọc cứ phăm phăm rẽ nước, rồi cũng lách, cũng vòng. Đò đã thuộc hết lòng sông nên có thể ngược xuôi trong đêm tối mà không sợ kẹt vào chỗ cạn. Quan trọng hơn, mỗi con đò còn có một đôi mắt sáng. Đôi mắt ở đằng mũi lúc nào cũng mở thật to, có thể nhìn xuyên qua màn đêm, nhìn xuyên qua làn nước để đò luồng lạch. Đó là đôi mắt của tâm linh, đôi mắt của niềm hy vọng, sự gửi gắm của cư dân sông nước. Và để con mắt ấy sáng mãi, người cầm chèo cũng cần có trái tim biết đập bằng những nhịp đập của sóng; biết hòa mình vào cuộc sống bằng linh cảm nồng tanh mà đậm đà của sông nước bao la...
Mỗi dòng sông có một triết lý của riêng mình. Sông Thu Bồn cũng vậy. Triết lý của nó là sự giao hòa của sóng nước, bãi bờ, non núi; của một con đò, của mỗi mái chèo và của mỗi con người. Với triết lý ấy, Thu Bồn đã giữ được vẻ đẹp hiền hòa, xanh thẳm của mình. Để rồi, qua bao nhiêu phong ba sóng gió, Thu Bồn vẫn là dải lụa mềm, vắt từ điệp trùng Trường Sơn qua đồng bằng châu thổ và ra tới biển...
PHAN CHÍ ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét